CÓ MỘT THẾ HỆ TRẺ LÀM RA TIỀN, NHƯNG VẪN ĐÓI ĂN MỖI NGÀY.
Thời buổi bây giờ, người trẻ ai mà chẳng "viêm màng túi", không viêm thì không phải người trẻ. Thế nên mới có câu cửa miệng: “Đầu tháng huy hoàng, cuối tháng điêu tàn”.
Có khi bị viêm màng túi nặng nề, không thể cầu cứu từ gia đình, bởi ai cũng biết lớn rồi còn đi xin tiền bố mẹ thì nhục lắm, phương cách ngắn nhất được đa số các bạn chọn là mượn bạn bè. Bạn A mượn bạn B, rồi B mượn A, rồi C và D mượn E, E mượn... cứ như thế, mắt xích nối kết những căn bệnh “viêm màng túi” cứ to dần.
Với những nhu cầu “to bự” nào quần là áo lượt, xe đẹp, điện thoại sang cho nên có đôi khi chúng ta vẫn không đủ tiền chỉ để mua một bữa trưa đơn giản, rồi bữa ăn gắn liền với mì gói, ngán mì gói thì lại mì tôm…
Đi tìm nguyên nhân của căn bệnh này. Lý do siêu bự chính là việc tiêu xài quá mức nên “viêm màng túi” không có gì đáng phải nói, lý do còn lại thì cho dù có tiết kiệm lắm nhưng vẫn bị viêm, tại sao? Vật giá leo thang ư? Đúng vậy.
Dẫu cho cuộc sống lương bổng cũng chắt chiu được chứ bộ nhưng “viêm màng túi” cứ dễ dàng hạ gục trái tim của người trẻ. Hay một nỗi là vẫn thấy người trẻ vui vẻ, cười đùa hớn hở, vẫn sống và làm việc tốt được, kể cũng lạ.
“Viêm màng túi” phải chào thua trước sức lực, trước tình bạn bè “hữu nghị” của người trẻ. Bài toán về chi tiêu cuộc sống, đã cộng trừ nhân chia lại nhiều lần mà kết quả vẫn “âm” từ tháng này đến tháng khác. Những nỗi lo về tư lự và tiết kiệm đầu cơ cho tương lai cứ là câu hỏi lớn hiện diện trên khuôn mặt thế hệ trẻ.
Các vị bác sĩ cũng phải bó tay, gia đình cũng phải chào thua trước căn bệnh mãn tính này. Trông chờ vào ai và làm gì bây giờ? Câu hỏi đặt ra và nhiều bạn vẫn chờ mà chẳng thấy câu trả lời. Thế thì, đừng chờ đợi và than vãn nữa. Chúng ta cần một giải pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để “viêm màng túi” phải đầu hàng trước nghị lực của người trẻ.
Rất đơn giản, bạn hãy chuẩn bị 6 cái lọ (có thể là két sắt hay tài khoản ngân hàng) - ta gọi là 6 quỹ tài chính. Mỗi cái lọ có tên và chức năng nhất định. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền vào 6 cái lọ này. Việc này cần làm ngay, tạo thành thói quen.
1. Chiếc lọ thứ nhất - Nhu cầu thiết yếu (chiếm 55%)
Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống. Bạn dùng để ăn uống, sinh hoạt; vui chơi, giải trí, mua sắm và các chi phí khác.
Xin lưu ý: Nếu hiện tại quỹ này của bạn ở mức trên 80% thu nhập, bạn cần tăng cường thêm nguồn thu nhập hay cắt giảm chi phí để đạt được tự do tài chính.
2. Chiếc lọ thứ hai - Tiết kiệm dài hạn (chiếm 10%)
Chiếc hũ này đựng những khoản tiết kiệm của bạn hằng ngày, hằng tuần hoặc hàng tháng.
Bạn sử dụng quỹ cho những mục tiêu lâu dài, thực hiện những ước mơ của bạn như việc mua nhà, làm đám cưới, chuẩn bị sinh con, đầu tư…
3. Chiếc lọ thứ ba - Giáo dục đào tạo (chiếm 10%)
Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho mục đích nâng cao kiến thức, kĩ năng thông qua các khóa học cần thiết mà bạn dự định tham gia, mua sách phát triển bản thân mỗi ngày, hay gặp gỡ, giao lưu để học hỏi từ những những người thành công.
4. Chiếc lọ thứ tư - Hưởng thụ (chiếm 10%)
Hãy quan tâm đến bản thân bằng cách dành ít nhất một khoản thu nhất định để chi tiêu cho những mong muốn của chính mình. Ta có thể dành đến 10% cho nhu cầu hưởng thụ như mua sắm, ăn uống, vui chơi, đi du lịch… để có thể giải tỏa căng thẳng sau thời gian làm việc vất vả, cũng như tạo thêm hứng khởi để tiếp tục làm việc, kiếm tiền.
5. Chiếc lọ thứ năm - Cho đi (chiếm 5%)
Cuộc sống là phải biết cho và nhận, do đó chiếc hũ thứ 6 sẽ giúp bạn có thể dành được 5% tiền bạc cho những hoạt động chia sẻ, quan tâm đến những người xung quanh. Ta có thể để khoản tiền này để dành ra cho người thân trong gia đình, làm từ thiện, giúp đỡ người khác khi cần. Việc cho đi sẽ luôn là cơ hội để chúng ta nhận lại những điều quý báu và cơ hội được người khác giúp đỡ khi cần.
6. Chiếc lọ thứ sáu - Quỹ tự do tài chính (chiếm 10%)
Nói đến đầu tư, không hoàn toàn có nghĩa ta phải dành một số tiền cho các khoản đầu tư lớn mà là tận dụng số tiền này để sinh lời theo cách thuận tiện nhất.
Nếu số tiền để dành đầu tư của bạn ít ỏi, ta có thể chọn lựa hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn để lấy lãi suất. Hoặc nếu có điều kiện và kiến thức kinh doanh hơn, ta có thể chọn lựa các hình thức đầu tư có quy mô khác để sinh lời, tạo cơ hội cho bạn làm giàu theo mong muốn của bản thân.